Monday, April 14, 2014

THÁNG TƯ NHÌN LẠI CHIẾN TRANH VIỆT NAM

                                                                            
                                                                                              
Nhiều người cho rằng Chiến Tranh Việt Nam cũng giống chiến tranh Kosovo mà Mỹ tiến hành ở vùng Balkans hồi 1999, dưới thời Tổng Thống Clinton.   Nhìn thoáng bên ngoài thì hai cuộc chiến tranh đó có một vài điểm tương đồng nhưng nếu nhìn kỹ vào bên trong thì ta sẽ thấy ngay một sự khác biệt căn bản và sâu đậm.  Sự khác biệt đó là chiến tranh Kosovo trong bản chất không phải là một cuộc chiến ũy nhiệm (proxy war) giữa các cường quốc tham chiến.  

            Thật vậy, vào thời gian 1999 Liên Xô đã sụp đổ và không còn trợ giúp hay tiếp vận gì cho Kosovo được nữa, trong khi vảo thời gian của hai thập niên 1960-1970        các cường quốc Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc đã đụng chạm nhau một cách quyết liệt trên mảnh đất Đông Dương trong đó có Việt Nam.  Hai miền đất Việt Nam đã tiếp nhận viện trợ và vũ khí đạn dược từ các cường quốc đối nghịch để tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhịêm, một mất một còn, phục vụ cho ý đồ dấu mặt của những chiêu bài ý thức hệ.

            Tất cả nhũng cuộc chiến ủy nhiệm đó đều lả những cuộc nội chiến (civil wars) mà các quốc gia trực tiếp tham chiến đã phải trả bằng máu và nước mắt dù là xảy ra ở Đức, Triều Tiên hay Việt Nam. 

            Hoa Kỳ đã chọn tham chiến ở Việt Nam vì những lý do địa chính trị (geopolitics) và đã ra khỏi chiến tranh Việt Nam vì những xáo trộn nội bộ.  Điều quan trọng cần phải nêu lên cho toàn nhân loại được biết là : “Năm 1975, miền Nam Việt Nam không thua vì xả hội suy đồi hay quân đội hèn kém mà thua vì Hoa Kỳ đã lựa chọn rời khỏi cuộc chiến, chấm dứt mọi viện trợ cho miển Nam, trong khi miền Bắc vẫn tiếp tục được nhận viện trợ quân sự vô giới hạn của Liên Xô và Trung Quốc”. 
            Nhận định lại những diễn tiến của cuộc chiến
           Vào giữa thập kỷ1960, cả hai Tổng Thống Mỹ Kennedy và Johnson đều muốn đẩy mạnh Chiến Tranh Lạnh để đánh thắng khối Cộng Sản chứ không muốn giảm sức mạnh quân sự tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Ngày 17/2/1965 cựu Tổng Thống Eisenhower  nói với Tổng Thống Johnson rằng : “Hoa Kỳ đã đặt tất cả uy tín của mình vào việc giữ cho Đông Nam Á được tự do   “.
            Có thể nói rằng vào thới điểm nói trên, nếu Bắc Triều Tiên xâm lăng Nam Triều Tiên lần thứ hai, hoặc nếu Trung Quốc động binh đánh Đài Loan thì nhất định chiến tranh lớn sẽ xảy ra, và bất cứ một vị tổng thống Mỹ nào không làm đúng nhiệm vụ tư lệnh tối cao quân đội sẽ mang tội “sao lãng nhiệm vụ” (dereliction of duty) một cách nghiêm trọng đối với nhân dân và tổ quốc.

            Trên thực tế, Chiến Tranh Lạnh bao gồm việc bao vây chặt chẽ khối Cộng Sản ở Âu Châu và tiến hành một số trận chiến nóng tại những vùng xa hơn nhằm nâng cao uy tín của Washington trong nghĩa vụ đồng minh đối với thế giới.  Sở dĩ những trận chiến nóng đều được thực hiện tại những vùng ngoại vi (peripheral) đối với Hoa Kỳ và Liên Xô vì nó có ít nguy cơ biến thành chiến tranh toàn cầu. 

            Bản chất chiến tranh ủy nhiệm là như vậy nhưng không ai ngờ là giữa những năm 1965 và 1968, đối với Hoa Kỳ, phí tổn chiến tranh đã lên quá cao về cả hai phương diện chi phí và nhân mạng.  Vì lý do đó mà  chiến tranh tại cả ba nước Đông Dương không còn được sự ủng hộ của quần chúng và quốc hội Mỹ nữa.  Hậu qủa là giữa các năm 1968-1973 Hoa Kỳ phải lựa chọn rời bỏ Việt Nam trong “danh dự”. 

Màn đầu của cuộc Chiến Tranh Lạnh tạm ngừng khi cả nước Mỹ muốn trở về chính sách “tân biệt lập” (neo-isolationism consensus).  Miền Nam Việt Nam bị xóa sổ trên bàn đồ quốc tế từ 1975 và thế giới được nghỉ hai ba năm không có chiến tranh.

Lẽ ra Hoa Kỳ đã phải làm gì ở Việt Nam ? Nhìn vào chiến tranh Việt Nam ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, người ta thấy ngay rằng Hoa Kỳ không thể áp dụng được tại đây sức mạnh hiện đại của chiến tranh quy ước.  Đối với một cuộc chiến tranh tiêu hao (war of attrition) cường độ của cuộc chiến cần giảm bớt nhưng thời gian của cuộc chiến cần lâu hơn và tinh thần  chiến đấu của quân đội cần kiên nhẫn và bền bỉ hơn. 

Muốn tăng uy tín của quân đội Hoa Kỳ và nhanh chóng giải quyết Chiến Tranh VIệt Nam Tổng Thống Johnson đã bổ nhiệm tướng Westmoreland và áp dụng chiến tranh quy ước kỹ thuật cao (conventional high-tech war) để chống lại chiến tranh tiêu hao của Hà Nội.  Đến năm 1967, người ta mới biết là phải trở về với chiến thuật “chống tiêu hao” nhưng quá chậm.  Chiến tranh quy ước kỹ thuật cao của Westmoreland đã khai triển quá lâu mà không có kết qủa.  Tổn thất về sinh mạng và ngân sách đã không còn kiểm soát được nữa. 

Lẽ ra Hoa Kỳ phải nghiên cứu kỹ ngay từ lúc ban đầu và phải phân chia cuộc chiến này thành ba giai đoạn : 1/ bình định, 2/ cắt tiếp tế , 3/ yểm trợ thường trực.

Giai đoạn 1 là giai đoạn bình định.  Trong giai đoạn này, từng đơn vị nhỏ của quân đội VNCH và Hoa Kỳ sẽ tìm cách loại bỏ triệt để các cán bộ cộng sản nằm vùng cài lại trêm mọi miền đất nước.  Bọn này bị truy lùng và thiếu tiếp tế về mọi mặt sẽ phải kêu gọi tiếp tế từ miền Bắc.

Khi đó sẽ phải chuyển sang giai đoạn 2 là giai đoạn cắt tiếp tế.  Quân lực  VNCH và quân lực Hoa Kỳ sẽ chiếm đóng và cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam. Vùng cấm địa này sẽ kéo dài từ bờ biển phía Đông sang tận biên giới Thái Lan và tuyệt đối không để một lỗ hổng nào cho Việt Cộng có thể lọt qua.  Nếu Việt Cộng phản ứng bằng một cuộc chiến tranh quy ước thì lúc đó chúng sẽ làm mồi cho một cuộc oanh tạc với những trận mưa bom của quân đội Hoa Kỳ.

Giai đoạn thứ 3 là giai đoạn đóng quân thường trực của quân đội VNCH và quân đội Mỹ trên tuyến chiến lược này.  Quân đội Mỹ chỉ cần khoảng một hai chục ngàn binh sĩ có mặt thường trực là quá đủ.  Chiến lược này có thể đòi hỏi từ 10 năm đến 20 năm để thành công nhưng sẽ là một chiến lược mà cả quần chúng và quốc hội Mỹ có thể chịu đựng được.  Ngoài ra chiến lược này vẫn nằm trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh “hạn chế” mà tình hình đòi hỏi.

Hoa kỳ sẽ không thất trận ở Việt Nam vì có thể điều chỉnh được dễ dàng nhu cầu của chiến tranh vào khả năng chịu đựng của ngân sách và quan trọng hơn cả là tiết kiệm được mạng sống của binh sĩ.  Biến số (variable) quan trọng nhất trong chiến tranh Việt Nam không phải là khối lượng quân đội Bắc Việt mà cũng không phải ý muốn của dân chúng miền Nam Việt Nam, mà là dư luận của quần chúng Hoa Kỳ.
Sai lầm to lớn của chính quyền Johnson là đã thuận cho tướng Westmoreland áp dụng chiến tranh quy ước với kỹ thuật cao để nhanh chóng giải quyết cuộc chiến tiêu hao bền bỉ của cộng sản.  Sai lầm này đã làm cho quân lực Hoa Kỳ tổn thất quá nhiều binh sĩ và sự tổn thất này đã làm cho quần chúng Mỹ nổi lên chống chiến tranh. 

Khi TổngThống Nixon lên thay thế thì lỗi lầm nói trên cũng không được chỉnh sửa là bao nhiêu.  Sự rút quân quá chậm chạp lúc đó của Nixon đã làm cho quân lực Hoa Kỳ mất thêm 21.000 sinh mạng binh sĩ trong một thời gian không dài lắm.  Vì thế phong trào chống chiến tranh đã nhanh chóng lên cao và Mỹ đã phải rút quân trong thảm bại, với hậu quả là mất hết uy tín đối với Việt Nam và đối với những đồng minh khác trong vùng.

Giai đoạn hai của Chiến Tranh Lạnh
 Giai đoạn II của Chiến Tranh Lạnh bắt đầu từ năm 1979 cho đến ngảy Liên Xô sụp đổ (1991)  Sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam thì Liên Xô và các quốc gia Cộng Sản khác thi đua nhau tạo lập những đế quốc mới tại Thế Giới Thứ Ba mà không sợ Mỹ trả thù. 

Lợi dụng việc Hoa Kỳ bỏ ngỏ Đông Nam Á và Trung Đông Liên Xô mở rộng ảnh hưởng tới Phi Châu và Trung Mỹ.  Sau ba nước Đông Dương, đến lượt Mozambique lọt vào tay cộng sản năm 1975, Angola năm 1979, Ethiopia năm 1977, Nam Yemen năm 1978, Nicaragua và Afghanistan năm 1979.  Cộng Sản Việt Nam tiếp tay cho Liên Xô lập chính phủ ở Lào và xâm chiếm Campuchia năm 1978. 

Sau Việt Nam, Tổng thống Mỹ Reagan phát động “Chiến Tranh Tinh Cầu” tức Chiến Lược SDI (Strategic Defence Initiative).  Cuộc chạy đua vũ trang này đã khiến Liên Xô kiệt sức.  Không cần nói đến tổn phí chạy đua vũ trang, chỉ riêng hậu qủa của chủ nghĩa bá quyền đã làm cho Liên Xô phá sản.  Để bảo vệ ảnh hưởng của các phần đất mới chiếm mỗi năm Liên Xô phải viện trợ 13 tỷ đô la Mỹ cho Việt Nam, Cuba, Nicaragua, Mozambique, Angola và Ethiopia.  Tính đổ đồng mỗi ngày người dân Nga phải nhịn ăn uống để chi viện 35  triệu đô la cho các nước vừa kể.

Mức sống của người dân Liên Xô sút giảm đáng sợ.  Năm 1989  ở các khu thợ mỏ Kuzbass, Donbass và Uorkuta đã xảy ra nhiều cuộc đình công bạo động.  Gorbachov phải chấp nhận sự tan rã của khối cộng sản Đông Âu, ban bố quyền hạn rộng rãi cho các nước cộng hòa trong liên bang, giải thể khối quân sự Varsaw và Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế (Comecon).  Ngày 19/8/1991 một cuộc đảo chính của phe bảo thủ nổ ra tại Nga nhưng thất bại.  Liền sau đó Liên Xô sụp đổ.  Ngày 25/12/1991, lúc 7 giờ 30 đế quốc Liên Xô thực sự rút lui vào lịch sử. 

                                                           *

Sau khi bình tĩnh kiểm điểm lại những gì đã xày ra trong lịch sử, tạm thời ta có thể kết luận như sau :  chiến lược quân sự bao giờ cũng phải thích nghi  100%  với các chiến lược chính trị và văn hóa.  Nói như thế có nghĩa là phải xét xem lòng dân có thể chấp nhận sự mất mát và tổn hại của chiến tranh tới mức độ nào. Một quốc gia lâm chiến có thể thất trận bởi hai lý do như lịch sử đã chứng minh : một là, lòng dân trong nước không muốn đeo đưổi chiến tranh nữa như trường hợp của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam; hai là, khả năng đeo đuổi chiến tranh đã kiêt quệ như trường hợp của Liên Xô trong giai đoạn hai của Chiến Tranh Lạnh vừa qua.

Trong chiến tranh, vấn đề “lợi ích quốc gia” bao giờ cũng là ưu tiên cao nhất.  Mọi vấn đề khác dù có che đậy dưới chiêu bài ý thức hệ đều chỉ là giả tạo.  Thực tế này đã được lịch sử chứng minh vả đây là bài học lịch sử cần ghi nhận./.

Nguyễn cao Quyền

0 comments:

Powered By Blogger