Gần đây, trang web tiếng Việt của Đài BBC có đăng bài của Lê Quỳnh giới thiệu một cách đánh giá mới về phong trào Nhân văn-Giai phẩm do một học giả Mỹ, Peter Zinoman, Giáo sư Khoa lịch sử ở Đại học Berkeley, đề xuất (1). Tôi lấy làm tiếc chưa được đọc nguyên bản bài nghiên cứu của vị giáo sư Mỹ, nhưng qua bài giới thiệu của Lê Quỳnh, vị giáo sư Mỹ cho rằng các nghiên cứu từ trước đến nay thường “thổi phồng” giá trị đối kháng chế độ của Nhân Văn Giai Phẩm mà không nghiên cứu kỹ những bài viết thực sự của phong trào này, tìm hiểu bản chất của họ là gì. Căn cứ vào những bài viết của Nhân Văn Giai Phẩm, học giả Mỹ nhận xét như sau:

· Nhân Văn Giai Phẩm không phải là một phong trào đối kháng về quan điểm chính trị (như các phong trào tương tự ở Đông Âu) mà chỉ chống đối những sự lạm dụng của các cấp chính quyền.

· Nhân Văn Giai Phẩm không hề chống Liên Xô hay các nước xã hội chủ nghĩa khác, không chống chủ nghĩa Marx.

· Nhân Văn Giai Phẩm coi phương Tây (Pháp, Mỹ,Anh…) là đế quốc thù địch.

Nhân Văn Giai Phẩm không được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rộng rãi. Họ được đề cao bởi những thế lực muốn sử dụng họ vào mục tiêu tuyên truyền chống cộng của mình.

Những năm xẩy ra phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, từ năm 1956 đến 1958, tôi là sinh viên Khoa Toán Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi chứng kiến sự “trỗi dậy” ngoạn mục của phong trào đồng thới theo dõi sát sao những cuộc phê phán dữ dội từ phía chính quyền chống lại Nhân Văn Giai Phẩm. Tôi có quan điểm chính trị riêng của tôi về thời cuộc, nhưng khi viết bài này, tôi cố gắng dẹp hết sang một bên, cố suy nghĩ thật khách quan và khoa học về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Tôi không rõ từ trước đến nay người ta viết những gì về Nhân Văn Giai Phẩm, tôi ghi lại đây một số sự kiện tôi biết chắc chắn và bản thân ít nhiều kiểm chứng được.

Báo chí trong nước dùng cụm từ Nhân Văn Giai Phẩm để chỉ chung những trào lưu “bất mãn” thời kỳ 1956-1958 ở Hà Nội và một số địa phương ở Miền Bắc Việt Nam. Tôi nhớ lại rằng chính vào thời kỳ đó người ta gọi những người thuộc các trào lưu trên là những phần tử “bất mãn”, chưa hề dùng từ “đối kháng”, “chống đối” hay “ly khai”… Tôi nhận thấy từ “bất mãn” rất phù hợp với bước khởi đầu của Nhân Văn Giai Phẩm, một phong trào đa tạp hầu như không liên kết với nhau, một phong trào tự phát không do một ý thức hệ nào điều khiển. Thoạt tiên là nhóm nhà văn quân đội, những kẻ dám liều lĩnh phê bình thơ Tố Hữu rồi bị “chấn chỉnh” nên “bất mãn”. Nhóm đó gồm Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm rồi đến Văn Cao.... Đặc điểm của nhóm này là uy tín chuyên môn và chính trị, họ là những tác giả được quần chúng ngưỡng mộ, đồng thời họ là những cán bộ xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, đã được tặng thưởng nhiều huân chương cao quí của chế độ.

Họ tập hợp thành nhóm “Giai phẩm” vì cơ quan phát ngôn của họ là tạp chí ra không định kỳ “Giai phẩm mùa thu”, “Giai phẩm mùa xuân”. Họ có thần tượng văn nghệ là Maiakovsky, không phải họ thân Liên xô mà họ chủ trương tự do sáng tạo, phá những khuôn mẫu cũ, lấy “thơ bậc thang” làm vũ khí tấn công bọn bảo thủ. Nhóm thứ hai, tạm gọi là nhóm Nhân Văn, vì họ tập hợp quanh tờ báo “Nhân văn” của cụ Phan Khôi. Trong lịch sử, cụ Phan vốn nổi tiếng là “người đối kháng”, từng chủ trương những tờ báo chống đố trật tự thuộc địa và phong kiến. Khi tham gia kháng chiến, cụ thấy nhiều điều đáng phê phán nhưng không phát biểu được vì bị ý thức hệ ràng buộc. Thời cơ đến với cụ là việc Đảng nhận sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Việc nhận sai lầm này không phải do lô gích nội tại mà do áp lực chống sùng bái cá nhân do Khơ–rút-sốp đề xuất trong Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô. Lá cờ mà cụ Phan phất lên là “tư tưởng nhân văn” của Đại hội 20, chống độc tài chuyên chế trong lãnh đạo, chống sùng bái cá nhân.

Tờ Nhân Văn phê phán công khai những sai lầm trong cải cách ruộng đất, những sự lãnh đạo độc đoán trong giới chóp bu văn nghệ (Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Tố Hữu…). Họ kiến nghị xây dựng một nhà nước nhân ái, vì dân, dân chủ, văn minh. Nhóm thứ ba là “nhóm đại học”, tập hợp xung quanh tạp chí “Đại học sư phạm” gồm những khuôn mặt tiêu biểu của giới trí thức miền Bắc như bộ tứ Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh… Những vị trí thức này có thành tích kháng chiến xuất sắc và có những công trình khoa học tầm cỡ. Họ chủ trương một nền văn hoá “của con người” chứ không phải “văn hoá của Đảng”. Họ tranh luận với những học giả bảo thủ như Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị xung quanh khái niệm “văn học có tính Đảng” của Lê-nin. Theo Trần Đức Thảo, chuyên chính vô sản phải đảm bảo tự do cá nhân. Nguyễn Mạnh Tường có bài phát biểu nổi tiếng ở Hội nghị Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc.

Ông chủ trương nhà nước pháp quyền, đề cao con người, tình đồng loại, tình yêu… Nhóm thứ tư là tập hợp một sớ sinh viên đại học xung quanh tạp chí “Đất Mới”. Nhóm này chủ trương sinh viên tự quản, chống lại sự ràng buộc cua Đoàn Thanh niên Lao động, tay phải của Đảng. Trào lưu “Đất Mới” tạo ra một “mùa xuân” trong giới sinh viên. Nhiều lớp sinh viên lật đổ lớp trưởng, lớp phó do Đoàn Thanh niên của Đảng áp đặt, họ bầu ra những cán bộ lớp mới phù hợp với những tiêu chuẩn mà họ đặt ra. Họ không chịu học chính trị, môn học do các cán bộ ít học vấn đảm nhiệm, họ yêu cầu tổ chức những buổi tranh luận, thảo luận về thời cuộc. “Mùa xuân” ấy tồn tại chừng ba tháng, sau đó các hạt nhân nòng cốt của trào lưu bị trấn áp.

Nhóm thứ năm là những phần tử tập hợp xung quanh tờ “Trăm hoa” của nhà thơ Nguyễn Bính. Theo Tô Hoài, Nguyễn Bính có sinh hoạt phần nào buông thả nên hay “bất mãn”. Quả vậy, “bất mãn” của nhóm Trăm hoa không rõ rệt về chính trị. Nhóm cuối cùng do người chủ Nhà xuất bản Minh Đức hợp tác với Nguyễn Hữu Đang chủ trương xuất bản tự do. Họ in lại những tác phẩm của Tự lực Văn đoàn, của Vũ trọng Phụng, những tác phẩm thời đó coi như cấm kỵ. Ông chủ nhà xuất bản Minh Đức là người có thành tích tham gia kháng chiến. Ông Nguyển Hữu Đang là nhà cách mạng kỳ cựu, thân cận với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban đầu, chính quyền nể họ mà không dám mạnh tay trấn áp.

Tất cả những trào lưu trên có chung một mục tiêu là đòi tự do, dân chủ, chống độc đoán cá nhân, xây dựng một ý thức hệ “nhân văn”, bình đẳng. Nhà cầm quyền nắm bắt được bản chất đó của những kẻ “bất mãn” nên họ phát động một chiến dịch lớn chống lại khái niệm tự do tư sản. Trong một buổi gặp gỡ toàn bộ sinh viên Hà Nội ở Nhà hát Nhân dân, nay là Cung văn hoá hữu nghị, tướng Giáp khuyên sinh viên nên tỉnh táo trước âm mưu của địch xúi dục đòi tự do. Tướng Giáp cho biết quân đội sẵn sàng đứng ra giữ trật tự nếu sinh viên nổi loạn. Chu Ân Lai, khi thăm Đai học Hà Nội cũng nói nhiều về “thị du” (tự do, lối đùa của Lỗ Tấn). Ông giảng giải sự khác nhau giữa tự do đích thực của chế độ mới so với tự do tư sản. Voroshilov khi đến thăm Đại học Hà Nội cũng nói đến tính ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa so với chế độ tư bản, khuyên sinh viên cảnh giác với tư do tư sản.
Việc Nhân Văn Giai Phẩm không chống trật tự cộng sản, không chống Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, họ coi Mỹ, hay Phương Tây nói chung là đế quốc thù địch có thể được giải thích qua bối cảnh lịch sử. Bối cảnh đó như thế nào?

1. Miền Bắc Việt Nam thời đó chưa phải là một nhà nước cộng sản. Dầu từ năm 1950 trở đi, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông thâm nhập mạnh, về lí thuyết Việt Nam vẫn sống theo Hiến Pháp 1946, một hiến pháp dân chủ đại nghị theo mô hình Pháp. Trong chính phủ, rất nhiều bộ trưởng là người ngoài Đảng: Phan Kế Toại (Nội Vụ), Trần Đăng Khoa (Giao Thông Vận Tải), Nguyễn Văn Huyên (Giáo Dục), Phan Anh (Ngoại Thương), Vũ Đình Hoè (Tư Pháp), Nghiêm Xuân Yêm (Nông Nghiệp), Vũ Đình Tụng (Y Tế), Hoàng Minh Giám (Văn Hoá)… Các cán bộ cao cấp của các ngành, sỹ quan quân đội, vẫn là thành phần lớp trên do chế độ cũ đào tạo, chưa bị thay thế bằng các phần tử công nông vô sản. Việt Nam về hình thức là một nước theo chế độ đa nguyên, đa đảng. Bên cạnh Đảng Lao động cầm quyền, còn có các đảng khác không đối lập mà “anh em”, như Đảng Xã hội của Nguyễn Xiển, Đảng Dân chủ của Nghiêm Xuân Yêm. Điều đáng chú ý là báo chí được tự do như năm 1946, theo đúng hiến pháp.

Vì vậy mà có tờ Nhân Văn của cụ Phan, tờ Trăm hoa của Nguyễn Bính, các tập Giai phẩm của nhóm Trần Dần, Lê Đạt, bên cạnh tờ Hà nội mới, ban đầu là của tư nhân, về sau được công hữu thành báo của nhà cầm quyền Hà nội. Cán bộ ngoại giao và chuyên gia Liên xô được cử lần đầu sang Việt Nam hình dung mình sẽ đến một nước nhiệt đới nghèo khổ, lạc hậu, ruộng đồng đầy rắn rết và cá sấu. Vốn sống trong một nước bao cấp thiếu thốn, họ ngỡ ngàng phát hiện một Hà Nội xinh tươi với những cửa hàng đầy ắp hàng hoá, với những biệt thự kiểu Pháp sang trọng và những con người thanh lịch có học vấn cao. Nhưng điều mà họ ngỡ ngàng nhất là báo chí tự do, chuyện khó xẩy ra ở đất nước họ. Giai đoạn này, từ ngữ chính thống gọi là “dân chủ nhân dân”, y như những năm đầu của Trung Quốc thời Mao. Tố Hữu, khi phê phán Nhân Văn Giai Phẩm, cũng nói: “Họ chống lại nền chuyên chính dân chủ nhân dân” mà không nói “chuyên chính vô sản”. Trong nền dân chủ nhân dân này, các thành phần kinh tế của chế độ cũ vẫn tồn tại: công thương nghiệp tư nhân, tiểu thương, tiểu chủ, nông dân cá thể, những người hành nghề tự do v.v...