Tuesday, April 15, 2014

VN “sập bẫy” thu nhập trung bình


TT - GS Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản - đã khẳng định như vậy vào tháng 3-2014 và được Ban Kinh tế trung ương mời sang VN hội thảo vào hôm nay 15-4. Ông đã trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-4 ngay khi vừa tới VN:



Tăng trưởng GDP thực tế đang chậm lại - Đồ họa : V.Cường
- Hơn 20 năm nghiên cứu VN, tôi khẳng định VN đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình (TNTB). Nó cũng như căn bệnh cao huyết áp, rất khó có thể nói chính xác đã mắc bệnh khi nào, mà dấu hiệu mắc bệnh giúp chỉ ra rằng cần phải đối phó.

“Sập bẫy” mà không biết?

* Dựa vào đâu để nói VN đã rơi vào bẫy TNTB, thưa ông?

- Có nhiều dấu hiệu để khẳng định điều đó. Thứ nhất, tăng trưởng GDP của VN chậm lại. Thứ hai, năng suất lao động kém. Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu ở VN chỉ mang tính hình thức. Thứ tư là VN đã bị trì trệ trong các bảng xếp hạng toàn cầu và thứ năm là VN đã gặp các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng như ô nhiễm, tham nhũng, bong bóng bất động sản, chênh lệch giàu nghèo...

Cơ cấu kinh tế của VN so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ. VN xuất khẩu 65% là hàng chế biến chế tạo, nhưng hầu hết là xuất khẩu của khu vực FDI. Còn doanh nghiệp VN chủ yếu vẫn chỉ xuất khẩu được hàng dệt may, da giày, nông sản... Nên một phần quan trọng trong tăng trưởng của VN không phải do bản thân VN làm ra mà từ nguồn lực bên ngoài.

Ngoài ra, tại các xếp hạng toàn cầu như môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới..., VN chỉ xếp hạng từ thấp đến trung bình (trong năm 2013 xếp hạng từ 70-99). Việc VN ít có cải thiện trên bảng xếp hạng không phải VN không làm gì, mà có làm nhưng mức cải thiện không bằng các nước cùng được đem ra xếp hạng.

* Theo ông, bẫy TNTB sẽ đem đến hệ quả gì cho VN nếu không vượt qua nổi?

GS Kenichi Ohno - Ảnh: V.Dũng
- Rất rõ ràng, nguồn vốn FDI vẫn đổ vào VN nhưng tăng trưởng của các bạn cứ chậm dần. VN có dân số trẻ nên vốn FDI chắc sẽ vẫn đổ vào. Tăng trưởng cũng sẽ vẫn tiếp tục. Nhưng ở mức thu nhập mới trên 1.000 USD/người/năm, còn quá sớm để chậm lại. Với tài nguyên có hạn, dân số đông, khi tăng trưởng giảm, dân số cứ tăng thì nếu không tạo thêm được giá trị, đời sống sẽ khó khăn hơn. Ví dụ dân số Nhật Bản đã già đi, nhưng do họ đã được hưởng mức thu nhập cao nên vẫn được hưởng cuộc sống tốt. VN cũng sẽ đối mặt với dân số già đi. Nếu không đạt mức thu nhập cao, người già và thu nhập thấp sẽ khó đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Xã hội sẽ chịu nguy cơ bất ổn.

* Nói đơn giản, nếu mắc vào bẫy TNTB, VN sẽ không bao giờ đuổi kịp trình độ phát triển của Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan?

- Thật ra nhìn vào các nền kinh tế Đông Á phải chia ra hai nhóm. Nhóm một là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã thoát khỏi bẫy TNTB và giàu có.

Nhóm thứ hai là Trung Quốc, Malaysia, VN... Thế giới khi nói về bẫy TNTB thì thường hay nói tới ba quốc gia này. Tuy nhiên tôi thấy ba quốc gia này cũng có sự khác nhau. Malaysia chính sách cơ bản tốt nhưng doanh nghiệp không hiệu quả, chưa đáp ứng. Trung Quốc thì doanh nghiệp tư nhân rất năng động nhưng bị mắc lực cản tham nhũng, ô nhiễm, bất bình đẳng xã hội... VN thì tôi thấy cả hai vấn đề.

VN cần hành động hơn là nói

* VN cần có giải pháp nào để thoát khỏi bẫy TNTB, thưa ông?

- Theo tôi, VN có hai nhóm vấn đề cần thay đổi. Thứ nhất là thay đổi cách nghĩ của lãnh đạo mà VN vẫn gọi là thay đổi tư duy và thứ hai là thay đổi chính sách. Cái thứ nhất quan trọng hơn nhưng tôi không thể nói nên như thế nào. Bởi tôi chưa biết lãnh đạo VN có nhiệt tình hay không, nên đưa ra nếu không được hưởng ứng thì rất phí. Chỉ biết rằng tôi đã đi nhiều nước, gặp nhiều lãnh đạo thì sự năng động của họ tạo khác biệt rất rõ. VN còn quan liêu. Cách làm của VN là trước một vấn đề, các bạn thường tổ chức hội thảo nhiều, rồi nghiên cứu, viết đề xuất nhiều nhưng hành động không bao nhiêu. Phương pháp làm chính sách này cần thay đổi.

Tôi biết khi tôi nói VN đã rơi vào bẫy TNTB, sẽ bắt đầu có thảo luận xem đúng hay chưa. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất là VN cần phải làm gì trước vấn đề này. Hi vọng năm 2014, tôi có thể nói VN đã lo ngại và đã đưa ra nhiều chính sách để thay đổi. Tôi rất ngại việc thảo luận nhiều, sau đó quên việc cần làm.

* VN nêu sẽ tập trung công nghệ cao, điều này sẽ giúp tránh bẫy TNTB?

- VN không nên đòi có công nghệ cao ngay, mà nên đi từ công nghệ phù hợp với năng lực của mình đã, học hỏi được công nghệ của các nước, từ đó tạo liên kết rồi sẽ dần nâng lên. VN nên học cơ bản phù hợp năng suất, năng lực con người VN trước. VN cũng cần áp dụng cấu trúc chính sách tốt hơn, thay đổi những điểm bị xếp hạng thấp. Danh sách các mục tiêu cụ thể để giám sát được trong 3-5 năm tới. Một bảng lớn xác định ai làm gì, khi nào và làm thế nào, đánh giá thành công hay thất bại. Tôi nghĩ nếu được soạn thảo đúng cách, các văn bản chính sách sẽ chỉ dài 5-6 trang, dễ thực hiện...

* Ông có nói VN cần có một sản phẩm chế tạo chất lượng cao đứng đầu thị trường toàn cầu. Ông nghĩ VN nên tập trung vào ngành nào để phát triển?

- Tôi không thoải mái lắm khi trả lời câu này, vì chọn sản phẩm, ngành nào phụ thuộc thị trường và Chính phủ của các bạn phải trả lời trước chứ không phải hỏi một chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, VN và Nhật đã thỏa thuận hợp tác phát triển các ngành như đóng tàu, công nghiệp ôtô, công nghệ môi trường, điện tử... Nhiều ngành khác VN có lợi thế nếu chính sách tốt, như thiết kế thời trang, linh kiện kim loại, hay xe máy VN đã xuất khẩu được... Vấn đề là chính sách phải chỉ rõ VN sẽ làm gì để đạt được, sẽ hành động như thế nào.


Thế nào là bẫy thu nhập trung bình?

“Bẫy TNTB là tình huống một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập nhất định với một nguồn lực và lợi thế nhất định mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn. Năm 2008, VN đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD/người/năm và trở thành nước có TNTB. Nhưng kể từ đó, dấu hiệu của bẫy TNTB trở nên rõ hơn. Nghĩa là tôi đã thấy dấu hiệu “mắc bẫy” từ trước đó, nhưng vì VN chưa đạt mức TNTB nên không ai nhắc tới” - GS Kenichi Ohno.

GS Kenichi Ohno khuyến cáo nên đặt ra các mục tiêu phát triển trong thời gian tới như sau:

* Giá trị gia tăng của sản xuất chiếm 25-30% GDP (hiện nay khoảng 20%)
* Thặng dư thương mại của sản xuất là 5-10 tỉ USD (hiện nay thâm hụt 12,5 tỉ USD)
* Ít nhất có một sản phẩm chế tạo chất lượng cao đứng đầu thị trường toàn cầu (hiện mới chỉ có hàng hóa cơ bản)
* Đào tạo được một số lượng nhất định các kỹ sư trong các ngành mục tiêu được cấp chứng nhận chính thức * Tạo ra một số lượng nhất định doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được cấp chứng chỉ QCD...


CẦM VĂN KÌNH

0 comments:

Powered By Blogger